70 cây thuốc sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ( Phần 7 )

Cây thuốc

70 cây thuốc sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền

36. KÉ ĐẦU NGỰA

Tên khác: Thương nhĩ

Tên khoa học: Xanthium strumarium L.

Họ: Cúc (Asteraceae)

Bộ phận dùng: Quả già

Công năng, chủ trị: Tiêu độc, sát trùng, tán phong thông khiếu, trừ thấp. Chữa phong hàn, đau đầu, chân tay co rút, đau khớp, mũi chảy nước hôi, mày đay, lở ngứa, tràng nhạc, mụn nhọt, mẩn ngứa.

Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 6 – 12g, sắc uống.

Cây thuốc

37. KHỔ SÂM CHO LÁ

Tên khác: Khổ sâm Bắc bộ, cù đèn, co chạy đón (Thái)

Tên khoa học: Croton tonkinensis Gagnep.

Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Bộ phận dùng: Lá và cành thu hái khi cây đang có hoa, phơi khô.

Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt, giải độc, sát trùng. Chữa viêm loét dạ dày, tiêu hóa kém, mụn nhọt, lở loét ngoài da, viêm mũi.

Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 15 – 20g, sắc uống. Dùng ngoài lấy nước sắc để rửa, chữa mụn nhọt, lở ngứa.

Cây thuốc

38. KIM NGÂN

Tên khác: Dây nhẫn đông, chừa giang khằn (Thái), boóc kim ngằn (Tày)

Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb.

Họ: Kim ngân (Caprifoliaceae)

Bộ phận dùng: Thân, lá, hoa

Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt giải độc, tán phong nhiệt. Chữa mụn nhọt, mề đay, lở ngứa, nhiệt độc ban sởi, dị ứng, lỵ, cảm mạo phong nhiệt, ho do phế nhiệt, viêm mũi dị ứng.

Liều lượng, cách dùng: Kim ngân được dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Ngày dùng 4 – 6g (hoa) hay 15 – 30g (cành, lá), dùng dưới dạng thuốc sắc uống, thuốc hãm hoặc hoàn tán.

Cây thuốc

39. KIM TIỀN THẢO

Tên khác: Đồng tiền lông, mắt trâu, vảy rồng

Tên khoa học: Desmodium styracifolium (Osbeck) Merr.

Họ: Đậu (Fabaceae)

Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất

Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt, trừ thấp, lợi tiểu, thông lâm. Chữa sỏi đường tiết niệu, đái buốt, viêm gan vàng da, phù thũng.

Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 15 – 30g, sắc uống.

Cây thuốc

40. KINH GIỚI

Tên khác: Khương giới, giả tô, nhả nát hom (Thái)

Tên khoa học: Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyland.

Họ: Bạc hà (Lamiaceae)

Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất (ngọn mang hoa)

Công năng, chủ trị: Giải biểu, khu phong, chỉ ngứa. Chữa cảm mạo, sốt, nhức đầu, hoa mắt, viêm họng, ngứa, phong trúng kinh lạc.

Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 6 – 12g (dạng khô), sắc hoặc hãm uống. Khi sao đen được dùng chữa băng huyết, rong kinh, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiện ra máu, ngày dùng: 6 – 12g, sắc hoặc hãm uống.

Cây thuốc

Link: https://bvnguyentriphuong.com.vn/y-hoc-co-truyen/70-cay-thuoc-nam-theo-quy-dinh-cua-bo-y-te-112014

Nguồn: Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương